Vóc dáng ‘ballet’ – tiêu chuẩn sắc đẹp mới

Vóc dáng ‘ballet’ – tiêu chuẩn sắc đẹp mới

Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ (ASPS) công bố xu hướng hình thể hiện nay là “ballet”, đề cao vóc dáng mảnh mai kèm nhiều đường cong và cơ bắp săn chắc.

Hình thể lý tưởng của thập niên 1980 là cơ bắp săn chắc. Đến thập niên 1990, phụ nữ ưa thích dáng người mảnh khảnh, đôi khi quá gầy kiểu “heroin chic”. Vài năm gần đây, thân hình nở nang với vòng ba lớn thống trị mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên công bố năm ngoái, Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ (ASPS) công bố xu hướng hình thể “ballet” đang được nhiều người tôn vinh và theo đuổi. Cơ quan này dự báo vóc dáng “ballet” – với sự mảnh mai nhưng cơ bắp săn chắc, đầy đặn – có thể là tiêu chuẩn sắc đẹp mới trong thời gian tới.

Thực tế, loại phẫu thuật phổ biến nhất ở Mỹ năm ngoái là hút mỡ, nâng ngực và tạo hình bụng. Theo chủ tịch ASPS, ông Steven Williams, phụ nữ ngày càng ưa chuộng kích thước ngực và mông nhỏ hơn. Hình thể lý tưởng của thập kỷ trước – khi số ca nâng mông kiểu Brazil (BBL) tăng gấp hai lần – trông khá khác biệt với xu hướng hiện tại.

“Gần một thập kỷ, quan niệm ‘càng nhiều đường cong càng tốt’ đã được tôn vinh. Giờ đây, mọi người dần ưa chuộng cơ thể mảnh mai hơn một chút”, ông Williams nói.

Phoebe Apeagyei, giảng viên cao cấp về công nghệ thời trang tại Đại học Manchester Metropolitan, chuyên gia nghiên cứu các xu hướng hình thể, cho biết dáng người kiểu “ballet” là sự kết hợp giữa vẻ mảnh mai lý tưởng với xu hướng tập luyện thể dục nổi lên sau đại dịch. Nhiều phụ nữ mong muốn có thân hình giống với siêu mẫu Anh Kate Moss từ ba thập kỷ trước, nhưng săn chắc và nhiều đường cong hơn một chút. Ngoài ra, sự ra đời của các loại thuốc giảm cân thế hệ mới là yếu tố hàng đầu tác động đến tiêu chuẩn về cái đẹp của người trẻ, khi họ có thể dễ dàng lấy vóc dáng thanh mảnh nhờ sử dụng các thuốc này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại phụ nữ có thể cố gắng đạt được “thân hình ballet” bằng những phương pháp không lành mạnh. Người trẻ, thu nhập thấp, không được tiếp cận với dịch vụ thẩm mỹ chất lượng, nhưng vẫn mong muốn sở hữu thân hình chuẩn xu hướng có thể rơi vào cạm bẫy của các trung tâm thiếu uy tín, Apeagyei cảnh báo.

Bà Nyemb-Diop cho biết cộng đồng chuyên gia dinh dưỡng, tư vấn về chứng rối loạn ăn uống cũng lo ngại. Các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc xem các hình ảnh về cơ thể gầy gò, mảnh khảnh và chứng chán ăn, cuồng ăn.

 

Mới đây, Liv Schmidt, 22 tuổi, một TikToker sở hữu 670.000 người theo dõi, thường chia sẻ loạt video về phương pháp giảm cân, giữ dáng đã bị khóa tài khoản. Nhiều người chỉ trích cô đăng tải nội dung thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến người mắc chứng rối loạn ăn uống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *